Giới thiệu về trường

          Dân tộc Việt Nam với truyền thống tôn sư trọng đạo đã hun đúc qua các thế hệ, truyền thống đó được phát huy cho đến ngày nay, dân tộc ta vẫn tin yêu, kính trọng và biết ơn các thầy cô giáo.
          Các nhà giáo Việt Nam qua các thế hệ đã chứng minh tinh thần yêu nước, yêu dân tộc, tinh thần đấu tranh giành độc lập tự do, đã có nhiều nhà giáo hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, trải qua các triều đại khác nhau, Nhà giáo Việt Nam luôn tỏ ra bản lĩnh của mình trong công việc, luôn sống thanh bạch và giữ vững phẩm chất tốt đẹp của nhà giáo.
     Đối với mảnh đất Lộc Ninh, ngay từ những ngày đầu mới được giải phóng, đội ngũ nhà giáo đã vượt qua biết bao gian nan thử thách để đứng vững trên bục giảng, đã có lúc bom đạn ác liệt tưởng chừng các nhà trường bị đóng cửa thế nhưng như một phép màu kỳ diệu nhà trường vẫn duy trì việc dạy và học, các thầy cô vẫn bám lớp, bám trường, các em học sinh vẫn hồn nhiên cắp sách đến trường, việc dạy và học vẫn tiếp tục duy trì và không có năm học nào bị gián đoạn.
     Các thế hệ giáo chức đến từ nhiều vùng miền khác nhau đã để lại một phần tuổi thanh xuân của mình cho mảnh đất Lộc Ninh yêu dấu, trong chiến tranh các thầy cô vừa thực hiện nhiệm vụ trồng người, vừa là chiến sĩ tham gia chiến đấu góp phần giải phóng quê hương đất nước, trong thời bình các thầy cô là các chiến sĩ văn hoá ngày nay miệt mài trên mảnh đất tiền tiêu của tổ quốc.
     Là nơi đất rộng, người thưa, trình độ dân trí thấp, địa bàn cư trú rộng, đồng thời là thủ phủ của Chính Phủ cách mạng Lâm thời cộng hoà miền nam Việt Nam, là Huyện đầu tiên của Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, Lộc Ninh được xem là điạ bàn chiến lược trong việc phát triển kinh tế, văn hoá, chính trị, xã hội và an ninh quốc phòng, vì vậy Đảng và Nhà Nước luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục của huyện nhà. Tuy nhiên trong giai đoạn mới giải phóng, lực lượng giáo viên địa phương hầu như không có mà phải chi viện từ nhiều địa phương khác đến, trong điều kiện đất nước mới thoát khỏi chiến tranh, đời sống mọi tầng lớp nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, cũng vì vậy đời sống các thầy cô giáo xa nhà, xa quê càng khó khăn gấp bội, thế nhưng các thầy cô vẫn yêu đời, yêu nghề và vẫn phấn đấu dạy tốt. Các thầy, các cô hàng ngày vẫn tận tụy với các em học sinh, vẫn một lòng một dạ phục vụ địa phương, phục vụ sự nghiệp giáo dục của địa phương.
     Trường cấp I-II Lộc Ninh là tiền thân của Trường THPT Lộc Ninh hiện nay, được khai giảng năm học đầu tiên vào ngày 05 tháng 9 năm 1972 tức là lúc Lộc Ninh mới được giải phóng chưa đầy 5 tháng. Trước những bộn bề của một địa phương mới được giải phóng hàng ngày bom đạn giặc đánh phá liên tục xuống địa bàn bất kể đó là trường học hay bệnh viện, cùng với cảnh thiếu lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm,…Đời sống của mọi tầng lớp nhân dân gặp rất nhiều khó khăn thế nhưng một mái trường được mọc lên giữa trung tâm thị trấn như một thách thức với kẻ thù. Hàng ngày thầy và trò vừa dạy vừa học vừa đào hầm, đào hào, cứ mỗi lần nghe tiếng động cơ máy bay gầm rú là thầy trò  nhanh chóng xuống hầm trú ẩn. Năm học 1972-1973 Trường được đặt tại vị trí  gần nhà thờ cũ tức gần Công an Huyện hiện nay. Trong năm học này nhân dân Lộc Ninh nói riêng và nhân dân ta nói chung, đón một sự nghiệp trọng đại là Hiệp định Pari được kí kết vào tháng giêng năm 1973 lập lại hoà bình tại Miền Nam Việt Nam.
     Tưởng chừng hoà bình được lặp lại, học sinh được yên tâm học tập thế nhưng địch đã lật lọng và ngày càng điên cuồng đánh phá Lộc Ninh. Năm học 1973-1974 là năm học mà nhà trường gặp khó khăn nhất, có lúc nhà trường phải cho học sinh nghỉ học một thời gian vì bom địch dội xuống rất ác liệt, sau đó lại dạy và học tiếp và cũng đã hoàn thành nhiệm vụ năm học.
     Bước sang năm học 1974-1975, UBND cách mạng huyện Lộc Ninh đã cho dời vị trí của trường vào lô cao su gần Lâm trường II ( ngày nay là khu phố Ninh ThạnhThị trấn Lộc Ninh). Trong năm học  này địch vẫn tiếp tục ném bom ác liệt hơn nên các phòng học đều được đào âm dưới đất, xung quanh trường là hệ thống giao thông hào, trường được nấp dưới những tầng cây cao su già. Những lúc có bom giặc dội xuống  là thầy trò sơ tán ra các giao thông hào.
     Do hệ thống hầm hào bảo vệ và do sơ tán trong lô cao su nên giai đoạn này nhà trường không bị trúng bom địch.
     Năm học 1975-1976 trường tiếp tục duy trì trong lô cao su cho đến hết năm học.
     Năm học 1976-1977 trường được chuyển ra vị trí mới gần sân vận động Huyện Lộc Ninh (ngày nay là trường Dân tộc nội trú Huyện Lộc Ninh) với những phòng học bằng mái tranh, vách nứa, sân trường vừa dốc, vừa lỏm chỏm đất đá, lúc này trường chỉ còn cấp 2 (từ lớp 6 đến lớp 8).
      Khó khăn gian khổ nhất kể từ sau ngày miền nam giải phóng là giai đoạn 1978-1979 lúc bấy giờ ở đồng bằng sông cửu long bị mất mùa, biên giới Tây Nam thường xuyên bị bọn Pôn Pốt – I ây xa ri lấn chiếm, đốt phá, chém giết, biên giới phía bắc bị Trung quốc xâm chiếm, đất nước bước vào cuộc chiến mới không kém phần gay go, ác liệt. Lộc Ninh một lần nữa trở thành mảnh đất tiền tiêu của Tổ Quốc, Nhà trường tiếp tục bị ảnh hưởng của chiến tranh, thầy và trò lại tiếp tục cho cuộc chiến mới, nhiều bạn học sinh đã tạm xếp bút nghiêng để lên đường nhập ngũ, có bạn đã vĩnh viễn ra đi không bao giờ trở lại.
     Năm học này cũng là năm học đầu tiên nhô lên một lớp cấp 3 mở đường cho việc hình thành trường cấp 2-3 Lộc Ninh.
     Chiến tranh biên giới kết thúc.
     Đến năm 1980 Công ty cao su Lộc Ninh đã xây dựng cho nhà trường 10 phòng học ở vị trí trường cũ, 2 năm sau UBND Tỉnh Sông Bé  ký Quyết định số 29/QĐ-UB  ngày 20 tháng 10 năm 1982 thành lập Trường Phổ Thông Trung Học Lộc Ninh, từ đó nhà trường tồn tại và phát triển cho đến ngày nay. Như vậy tính đến nay nhà trường đã có lịch sử hơn 47 năm hình thành và phát triển. Như vậy từ ngày hình thành đến nay trường đã được đặt tại 5 vị trí khác nhau.
Dù ở vị trí nào, trong hoàn cảnh nào lớp lớp học sinh vẫn nối tiếp ra trường và đã trưởng thành  trên mọi lĩnh vực, có nhiều học sinh sau khi ra trường đã tình nguyện trở thành chiến sĩ và đã vĩnh viễn ra đi trên chiến trường biên giới Tây Nam, có bạn đã ngã xuống ngay trên mảnh đất này để bảo vệ những thành quả của cách mạng. Gần một vạn học sinh từ mái trường này đã ra trường đến nay có bạn đã trở thành Tiến sĩ, nhiều Thạc sĩ, Cử nhân, nhiều bạn đã trở thành Lãnh đạo các cơ quan ban ngành, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương. Bản thân Ban giám hiệu nhà trường cũng có 3 người được đào tạo từ mái trường trung học phổ thông Lộc Ninh, có hơn 50 các thầy cô và nhân viên nhà trường từng là học sinh cũ của trường chiếm tỷ lệ hơn 50% tổng số giáo viên, cán bộ, nhân viên toàn trường.
          Từ năm 2000 đến nay nhà trường không ngừng lớn mạnh vế số lượng và chất lượng, suốt 19 năm nhà trường luôn đạt danh hiệu tiên tiến và xuất sắc (trong đó có 10 năm đạt trường xuất sắc), có nhiều học sinh giỏi vòng tỉnh và vòng toàn quốc, nhiều năm có thủ khoa các kì thi tốt nghiệp, có 01 em đạt thủ khoa kì thi đại học, có 01 em đạt giải nhất tuần cuộc thi đường lên đỉnh Olympia, 1 em đạt HCĐ cấp quốc gia giải toán qua mạng, 1em đạt giải Nhì sáng tạo trẻ toàn quốc, tỷ lệ đỗ vào các trường đại học luôn ở mức cao so với các trường trong tỉnh và trong toàn quốc, nhiều em đã trở thành sinh viên xuất sắc trong các trường đại học. Đặc biệt từ năm 2010 đến nay chất lượng giáo dục của nhà trường đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, nếu năm 2010 tỷ lệ học sinh yếu kém là 32,2%, thì đến năm 2019 chỉ còn 2%, tỷ lệ học sinh khá giỏi năm 2010 chỉ có 22,1% thì đến năm 2019 đã lên đến 60,51%. Trong 9 năm tỷ lệ học sinh khá giỏi liên tục tăng, tỷ lệ học sinh yếu kém liên tục giảm, cơ sở vật chất không ngừng được tăng cường.
          Năm học 2018-2019 vừa qua, tỷ lệ tốt nghiệp đạt gần 99%, tỷ lệ học sinh lớp 12 đậu vào các trường đại học là 88%, có 23 em đạt giải trong kì thi học sinh giỏi vòng tỉnh và 26 em đạt giải trong kỳ thi Olympic 19/5 cấp tỉnh. Đội ngũ giáo viên nhà trường trong năm học vừa qua đã nỗ lực đưa chất lượng giảng dạy ngày càng đi lên, có 12 giáo viên đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, có 1 giáo viên đạt chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, nhiều giáo viên được sở GD&ĐT khen. Chất lượng giáo dục trong năm học vừa qua đã được cải thiện đáng kể, tỷ lệ khá giỏi tăng lên rõ rệt, tỷ lệ yếu kém giảm còn ở mức thấp nhất, kỉ cương nề nếp ngày càng tốt hơn, các vụ việc vi phạm của học sinh ngày càng giảm, các nhân tố tích cực ngày càng tăng lên. Mặc dù cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, yếu kém so với các trường bạn nhưng nhà trường đã tích cực củng cố, tu sửa, bảo dưỡng. Nề nếp ra vào lớp, soạn giảng của giáo viên có tiến bộ rõ rệt, ý thức chấp hành nội quy của học sinh cũng có sự chuyển biến tích cực hơn so với những năm trước đây.
          Có thành tích như trên là nhờ sự nỗ lực của toàn thể đội ngũ nhà giáo cũng như toàn thể học sinh, sự quan tâm, tiếp sức, hỗ trợ đắc lực của toàn thể PHHS và Ban đại diện PHHS, sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự chỉ đạo sâu sát của Sở Giáo dục và Đào tạo Bình phước. Có được như ngày hôm nay, nhà trường đã trải qua biết bao gian lao, thử thách, đặc biệt là sự đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ quản lý,các thầy cô giáo qua các thế hệ .
          Đội ngũ giáo viên nhà trường qua các thế hệ đã đóng góp rất lớn công sức của mình cho sự phát triển nhà trường. Ngay trong những ngày đầu gian khổ nhất các thầy cô vẫn vượt qua để duy trì việc dạy học, có thầy cô đã cống hiến gần cả đời mình cho sự nghiệp giáo dục nhà trường như cô Hoàng Thị Phước, thầy Phan Văn Tùng, thầy Trịnh Lương Quang, cô Bùi Thị Khuyến, cô Đặng Thị Chắt, cô Dương Thị Hạnh, thầy Hoàng Văn Bảy, thầy Mai Văn Quý, cô Lương Thị Thìn, cô Hà Thị Điều, cô Nguyễn Thị Vân Anh ... đã có trên dưới 30 năm cống hiến cho nhà trường và nhiều thầy cô khác đã giảng dạy dưới mái trường này từ lúc tuổi thanh xuân cho đến ngày về hưu.
       Các thế hệ cán bộ quản lí cũng đã cống hiến nhiều công sức, trí tuệ và lòng nhiệt huyết góp phần cho sự lớn mạnh của nhà trường như cô Mai Thị Thạch, cô Đặng Thị Oanh, thầy Huỳnh Kim Tín, thầy Hồ Trọng Đường, cô Dương Thị Việt, thầy Trịnh Lương Quang. Ở mỗi giai đoạn nhà trường gặp những khó khăn khác nhau nhưng các thầy cô hiệu trưởng cùng với tập thể ban giám hiệu đã dẫn dắt nhà trường vượt qua và lớn mạnh như ngày hôm nay.
          Đội ngũ giáo viên trẻ thì thời gian gắn bó và đóng góp cho nhà trường chưa nhiều nhưng các thầy cô là những người sôi nổi, năng động và tích cực trong việc đổi mới phương pháp dạy học, hăng hái đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy góp phần vào công cuộc đổi mới công cuộc của nhà trường.
          Không sao kể hết công sức của thầy cô qua các thế hệ, đã để lại cho nhà trường những dấu ấn tốt đẹp không bao giờ phai nhạt.
          Nhìn lại quá trình phát triển của nhà trường cùng với sự đóng góp to lớn của các cán bộ quản lí, các thầy cô giáo và sự nỗ lực của toàn thể các em học sinh, sự chung tay góp sức của toàn xã hội, chúng ta càng thấy quý hơn, tự hào hơn so với thành quả đã đạt được để chúng ta có sự lớn mạnh như ngày hôm nay.
          Ôn lại lịch sử phát triển của nhà trường, chúng ta có quyền tự hào là những giáo viên, những học sinh của trường THPT Lộc Ninh một mái trường có bề dày lịch sử 47 năm đi qua các cuộc chiến tranh và đi qua quãng thời gian bình yên của đất nước.
          Phát huy truyền thống đó, toàn thể giáo viên, cán bộ công nhân viên và học sinh quyết tâm khắc phục những hạn chế yếu kém, phát huy truyền thống tốt đẹp, phát huy các mặt mạnh, mặt tích cực để từng bước khẳng định chất lượng nhà trường.
Website liên kết
Văn bản

4508/SGDĐT-QLCLGD

V/v triển khai tài liệu “Kỹ năng nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến”

Thời gian đăng: 09/11/2024

lượt xem: 24 | lượt tải:30

4491/SGDĐT-QLCLGD

Về việc truyền thông về cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID

Thời gian đăng: 09/11/2024

lượt xem: 23 | lượt tải:11

4302/SGDĐT-GDTrH

Tiếp tục tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông cho học sinh trung học năm 2024

Thời gian đăng: 23/10/2024

lượt xem: 41 | lượt tải:50

3018/UBND-VX

V/v đôn đốc tiếp tục thực hiện Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 03/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 324/QĐ-KHVN ngày 25/10/2023 của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam

Thời gian đăng: 23/10/2024

lượt xem: 45 | lượt tải:82

4293/SGDĐT-QLCLGD

Công văn hướng dẫn tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Thời gian đăng: 23/10/2024

lượt xem: 39 | lượt tải:22
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây